Ghi chép sử sách Thi Sách

Cuộc đời

Thi Sách là người huyện Chu Diên[1], quận Giao Chỉ. Ông cưới Trưng Trắc, con gái đầu Lạc tướng huyện Mê Linh, làm vợ[2].

Năm Giáp Ngọ (34), Tô Định sang thay Tích Quang làm Thái thú quận Giao Chỉ, làm nhiều điều bạo ngược, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thi Sách bị Tô Định giết chết mà không nói rõ nguyên nhân. Nhưng các tác phẩm như Việt sử tân biên soạn sau đó nói rằng Thi Sách đã chống lại chính quyền Tô Định, còn gửi thư hạch tội khiến Tô Định tức giận mà giết chết ông[3]. Còn sách Thủy kinh chú, một tác phẩm khoảng thế kỉ 6 ghi lại chuyện Giao Chỉ, lại ghi nhận Thi Sách còn sống ít nhất là đến khi Mã Viện tràn quân vào.

Tháng 2 năm sau (40), vợ ông là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị nổi dậy đánh đuổi được Tô Định, xưng Vương. Sau, Trưng vương bị Mã Viện dẹp tan.

Tên Thi hay họ Thi

Sách Hậu Hán thư là cuốn sử đầu tiên chép về Trưng Trắc, có đoạn:

"Trưng Trắc giả, Mê Linh huyện lạc tướng chi nữ dã. Giá vi Chu Diên nhân Thi sách thê. Thậm hùng dũng."[4]

Vào thế kỷ 6, Lịch Đạo Nguyên từ Trung Quốc sang Giao Chỉ, có đến vùng Mê Linh. Khi trở về nước, ông viết sách Thủy kinh chú, trong đó có đoạn:

Chu Diên Lạc tướng tử, danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ, danh Trưng Trắc, vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê (quyển 37, tờ 6a. Nguyên tác không có dấu phẩy)[5].

Theo GS. Nguyễn Lý Tưởng thì câu văn trên có nghĩa là:"Con trai Lạc tướng huyện Chu Diên tên là Thi, hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có can đảm và dũng lược, cùng với Thi nổi lên làm giặc. Mã Viện đem quân đánh đuổi. Trắc, Thi chạy vào Cấm Khê" (ở đây "sách" có nghĩa là "hỏi"). Nhưng vì câu văn chữ Hán ngày xưa không có dấu câu, dễ lẫn lộn câu này qua câu khác, nên khi chú thích phần chính văn viết về Hai Bà Trưng trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp, Thái tử Lý Hiền đời nhà Đường đã chép lầm là Thi Sách. Sau, các tác giả khác cứ theo đó mà chép lại nên sai mãi về sau. Người phát hiện ra việc này là học giả Huệ Đống, đời nhà Thanh[6].

Ngoài ra, theo một số tác giả trong đó có Phạm Văn Sơn[7] thì Thi Sách mang họ Đặng. Trái lại, trong ngọc phả đình Nại Xá (huyện Đan Phượng), thì lại ghi ông là người họ Dương.